Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014
Di dân thăm các cha hưu
Giáo xứ Thánh Phaolô: Di dân thăm các cha hưu Bài & ảnh: Bích Tân T7, 11/01/2014 - 12:05 WGPSG -- Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn những vị chủ chăn đã hy sinh cả cuộc đời trong sứ vụ linh mục, các anh chị em di dân giáo xứ Thánh Phaolô, hạt Tân Sơn Nhì, TGP Sài Gòn đã đến viếng thăm các cha hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa: số 149 đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, TPHCM vào lúc 09g00 ngày 09-1-2014. Đến thăm các cha có 22 anh chị em di dân là người Công giáo ở các Giáo phận miền Bắc, miền Trung và miền Nam, nhiều nhất là ở Giáo phận: Vinh, Thanh Hóa. Anh chị em được sự hướng dẫn của các soeur phụ trách nơi đây đi thăm từng cha. Khi đến từng phòng của các ngài, anh chị em chào: “Chúng con là di dân thuộc giáo xứ Thánh Phaolô hạt Tân Sơn Nhì đến kính thăm cha”. Các em rất xúc động suy nghĩ: Lúc còn khỏe mạnh, các ngài hăng say lo việc cho Chúa và Giáo hội, quên bản thân mình; khi đã về chiều, các ngài về đây với hai bàn tay trắng, có cha còn đi lại được, có cha phải nằm tại giường. Không biết quen nhau từ lúc nào mà các anh chị em di dân có những cử chỉ rất thân thiện: Khi nhìn thấy cha, các em chạy vào nắm tay cha, hôn tay cha, hỏi thăm cha có khỏe không? Và rất nhiều câu hỏi, nhiều tâm tình, cũng như xin cha hướng dẫn cho chúng con trong cuộc sống xa quê, xa giáo xứ, xa gia đình, xa cha mẹ anh chị em thân thuộc. Có em còn xin cha chia sẻ cuộc đời mục vụ và cả những khó khăn của cha đang gặp trong lúc tuổi già. Em khác thì xin cha cầu nguyện cho anh chị em di dân chúng con… Có cha nói: “Nơi đây là trạm trung chuyển chờ ngày về với Chúa”. Các anh chị em hỏi cha năm nay được bao nhiêu tuổi? Cha đã được bao nhiêu năm hồng ân linh mục? Xứ cuối cùng của cha trước khi về đây là giáo xứ nào? Các cha lớn tuổi là Cha Phêrô Dư Tác Thiện, dòng Camelo, năm nay 96 tuổi. Cha Luy Trần Phúc Thiện, năm nay 91 tuổi; ngài có 4 anh em làm linh mục; trước khi về đây, ngài làm cha chánh xứ Gx. Gò Công chợ nhỏ Thủ Đức. Cha Phaolô Lê Tấn Thành, trước đây làm Cha Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, năm nay 87 tuổi. Trước khi tạm biệt cha để đi sang thăm cha khác, các em cũng chuyển lời của cha xứ là Cha Phaolô Phạm Trung Dong xin gởi lời thăm sức khỏe của cha. Các cha cũng gởi lời về cám ơn cha xứ chúc cha được nhiều hồng ân của Chúa, được dồi dào sức khỏe trong năm mới này để lo cho giáo xứ, lo cho anh chị em di dân. Xin cha chụp hình lưu niệm chung và xin cha ban phép lành. Sau cùng, các em gởi mỗi cha một phần quà nhỏ của giáo xứ Thánh Phaolô gồm một bao thơ trong có 1.000.000đ và một phần quà, có một giáo dân trong giáo xứ cũng gởi mỗi cha một bao thơ nhỏ trong đó có 100.000đ. Các anh chị em di dân cùng hát với mỗi cha bài thánh ca: Đâu có tình yêu thương. Hồng ân Chúa bao la. Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Lạy Mẹ xin yên ủi. Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Trước khi ra về, anh chị em di dân cũng đến văn phòng cám ơn quý soeur đã hướng dẫn đi thăm được 13 cha, và gởi lại 2 phần quà nhờ các soeur chuyển lại 2 cha đi vắng. Trên đường về, anh chị em di dân vào Gx. Bình Thuận, hạt Tân Sơn Nhì, TGP Sài Gòn thăm các anh chị em khiếm thị trong tâm tình thân thương, với những lời hỏi thăm, những lời an ủi và cảm thông hoàn cảnh của anh chị em. Các anh chị em này ở rải rác trong giáo xứ, không sống tập trung như các mái ấm tình thương, cuộc sống tự lập. Anh chị em tặng mỗi người một bao thư nhỏ, trong mỗi bao thư có 100.000đ, và có một giáo dân cũng tặng mỗi người một bao thư nhỏ, trong đó cũng có 100.000đ. Đại diện anh chị em khiếm thị cám ơn Cha xứ Gx. Thánh Phaolô và các anh chị em di dân đã đến thăm, an ủi, chia sẻ và còn tặng quà cho chúng con, chúng con không biết nói gì hơn xin Chúa ban nhiều ơn lành xuống cho cha xứ và anh chị em. Anh chị em di dân đến thăm các cha hưu dưỡng, ai nấy cũng cảm động với những tâm tình đơn sơ của người con đến với cha già, của những người vì cuộc sống phải xa quê hương xứ sở đến đất khách quê người lao vào môi trường mới, tìm kế sinh nhai để lo cho bản thân, và còn phải chắt chiu gởi về quê lo cho gia đình. Hôm nay, các anh chị em xin nghỉ ở các công ty xí nghiệp, hy sinh một ngày để đến thăm các cha, các em cũng nhận thức được đây là cha chung không phân biệt cha của ai, cha của giáo xứ nào. Các em nói: “Chúng con là người Công giáo, nơi nào có nhà thờ là chúng con đến, nơi nào có cha, chúng con coi như cha xứ của chúng con. Các cha hưu dưỡng đây cũng là cha của chúng con”. Trước khi chia tay về các phòng trọ, anh chị em mong có ngày nào đó lại được đi thăm các cha già thân thương • Hoạt Động & Suy Tư
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét