Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

DẤU CHỈ NHẬN RA NGƯỜI

02/05/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT Ga 6,1-15 DẤU CHỈ NHẬN RA NGƯỜI “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.” (Ga 6,11) Suy niệm: “Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” là hành động rất quen thuộc của Chúa Giê-su. Các Phúc Âm kể lại ít nhất năm lần Ngài thực hiện cử chỉ này: hai lần hoá bánh ra nhiều (Mc 6,32-44; 8,1-10); trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22,19-20); hai lần sau Phục sinh (Lc 24,13-35;Ga 21,1-14). Ai ăn bánh đều phải cầm lấy bánh; nhưng Đức Giê-su cầm lấy bánh là để “dâng lời tạ ơn rồi phân phát”. Chính hành động này đã làm nên sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và mọi người. Chứng kiến việc “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”, dân chúng phải thừa nhận “Hẳn ông này là vị ngôn sứ phải đến thế gian” (c.14). Tuy họ hiểu sai về ý nghĩa ngôn sứ nơi Đức Giê-su (nên Ngài đã lánh đi), để rồi mãi về sau, ý nghĩa trọn vẹn mới được mạc khải qua việc Ngài tự hiến để trở thành Tấm Bánh bẻ ra trao cho mọi người: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc 22,19). Mời Bạn: Hành động bẻ bánh của Chúa Giê-su là dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Chúa Phục sinh. Và hằng ngày Bánh vẫn tiếp tục được bẻ ra và trao cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Hãy khám phá nét đặc trưng này để nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của việc Bẻ Bánh. Chia sẻ về những lần rước lễ mà bạn cảm thấy xúc động nhất. Sống Lời Chúa: Đặt Thánh lễ làm trung tâm và chóp đỉnh đời sống tôi. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Tấm Bánh chấp nhận bị bẻ ra để trao ban, hầu giúp chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho con đừng thờ ơ với nghĩa cử cao đẹp này của Chúa. Amen.

LAO ĐỘNG VÌ YÊU THƯƠNG

01/05/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 2 PS Th. Giu-se Thợ Mt 13,54-58 LAO ĐỘNG VÌ YÊU THƯƠNG “Ông ta không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55) Suy niệm: “Hãy yêu thích lao động không phải vì lợi nhuận hay phần thưởng; tuy vậy Thiên Chúa đã quyết định rằng lợi lộc lớn lao sẽ là hoa trái cho mọi lao động do yêu thương” (E. White). Thánh Giu-se nhiệt tình trong công việc hằng ngày của nghề thợ mộc, không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn vì Ngài đặt vào đó trọn tình thương dành cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su mà ngài có nhiệm vụ chăm sóc. Ngài trở thành mẫu gương cho mọi người lao động muốn sử dụng công ăn việc làm như món quà yêu thương đối với những người thân yêu của mình. Thánh Giu-se làm nghề thợ mộc, một nghề thủ công bình thường, tiêu biểu cho sự đóng góp của đám đông công nhân vô danh cho cho sự phát triển của nhân loại, cho ấm no hạnh phúc của con người. Mời Bạn: Bên cạnh những tên tuổi tầm cỡ có ảnh hưởng đến thế giới, vẫn có đám đông khổng lồ đang âm thầm cộng tác cho việc nâng cao điều kiện sống an vui của xã hội. Thánh Giu-se là quan thầy của những con người vô danh ấy, trong số đó có bạn. Ngài ở bên cạnh bạn, nâng đỡ niềm hãnh diện khiêm tốn của bạn trong tư thế người lao động. Sống Lời Chúa: Tôi xác tín công việc lao động có giá trị hay không tùy theo ý hướng tôi làm vì ai và tôi đã có những đức tính nào khi làm công việc ấy. Ý hướng của tôi từ nay sẽ là vì Chúa, vì những người thân yêu, vì người nghèo... Cầu nguyện: Lạy Thánh Giu-se, cảm tạ ngài đã nêu gương lao động miệt mài vì muốn bày tỏ tình thương mến dành cho Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ngày hôm nay cũng biết sử dụng công việc lao động như món quà quý giá cho người thân yêu. Amen. (Trích 5 PHUT CHO LOI CHUA)

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

TIN VÀO CON THIÊN CHÚA

30/04/14 THỨ TƯ TUẦN 2 PS Th. Pi-ô V, giáo hoàng Ga 3,16-21 TIN VÀO CON THIÊN CHÚA “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16) Suy niệm: Những câu chuyện tình làm rung động trái tim con người của mọi thời đại, như chuyện tình Romeo (Rô-mê-ô) và Juliet (Giu-li-ét) chẳng hạn, bao giờ cũng tán dương nét đẹp cao cả và đầy kịch tính của tình yêu là những người yêu nhau sẵn sàng làm tất cả để được sống bên nhau mãi mãi kể cả liều thân chịu chết để nếu không thể cùng sống thì được cùng chết với nhau. Kể chuyện Giê-su chính là kể chuyện tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy lớn đến nỗi Thiên Chúa thí cả mạng sống của Con duy nhất của Ngài để cho muôn người được sống. Điều đáng nói ở đây, chuyện tình Giê-su ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là hành động mà Thiên Chúa đã thực hiện thực sự: Thiên Chúa đã cho Con của Ngài chết đi để đền tội thay cho loài người và lại cho Con của Ngài sống lại để “ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.” Bạn ơi, bạn có cảm thấy nhói lòng rung động vì Thiên Chúa yêu bạn đến nên nông nỗi ấy không? Nếu bạn không thể thờ ơ trước tình yêu của ai đó dám sống và dám chết cho bạn, thì bạn càng không thể vô cảm khi biết rằng Chúa yêu bạn mãnh liệt gấp bội phần như thế. Điều Chúa mong mỏi nơi bạn là bạn đặt niềm tin vào Chúa để được sống muôn đời với Ngài. Chúa đang hỏi bạn: “Con có tin như thế không?” (Ga 11,26). Bạn trả lời cho Chúa nhé! Sống Lời Chúa: Hôn kính thánh giá để nói lên lòng tin của mình nơi Chúa. Cầu nguyện: “Lạy Chúa con tin. Xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của con.”

Giáo xứ Thánh Phaolô: Thánh lễ Thêm Sức

Giáo xứ Thánh Phaolô: Thánh lễ Thêm Sức Bài: Bích Tân & Ảnh: Vincengon T3, 29/04/2014 - 07:54 WGPSG -- Sau ba năm, các em học giáo lý Kinh Thánh và Thêm Sức, sáng Chúa nhật 27.04.2014, cộng đoàn giáo xứ Thánh Phaolô, giáo hạt Tân Sơn Nhì vui mừng đón chào Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, cùng quý cha đến hiệp dâng Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho 193 em, trong số này có 35 anh chị em hôn nhân dự tòng, 139 em được rước Mình Thánh Chúa lần đầu. Lúc 07g00, bầu không khí của giáo xứ nhộn nhịp hẳn lên, các em Thiếu nhi trong trang phục Thiếu nhi Thánh Thể tiến về nhà thờ với vẻ mặt vui tươi hớn hở. Các em được các anh chị huynh trưởng tiếp đón và gắn bảng tên thánh, chỉnh trang đồng phục, làm dàn chào từ cổng nhà thờ vào đến nhà xứ. Lúc 07g45, Đức Tổng Giám mục đã đến, tiếng vỗ tay vui mừng, tiếng kèn tây nổi lên để chào mừng ngài. Lúc 08g00, cuộc rước đoàn đồng tế gồm Thánh giá nến cao, đội kèn tây, các em chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, Rước lễ lần đầu, các cha đồng tế, Đức Tổng Phaolô. Đồng tế với ngài có 17 cha, cha quản hạt Phanxicô Xaviê Lê Quang Đăng, cha Bề trên dòng Thánh Tâm Linh Mục, cha Bề trên dòng Máu Châu Báu Đức Giêsu, cha chánh xứ Thánh Phaolô Phạm Trung Dong, cha phụ tá Giuse Mai Văn Hoàn và quý cha khách. Tham dự Thánh lễ còn có khoảng hơn 2.000 giáo dân trong và ngoài giáo xứ, phụ huynh và người đỡ đầu. Thánh lễ diễn ra thật long trọng và trang nghiêm. Sau bài Phúc Âm, Đức Tổng mời gọi các em hãy sống làm chứng cho Chúa Giêsu, và cùng với Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến cho mọi người với sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các em sắp lãnh nhận. Ngài đặt những câu hỏi dựa trên các bài đọc Kinh Thánh và giáo lý Thêm Sức cho các em trả lời. Nhờ đó, ngài biết được các em đã hiểu biết khá nhiều giáo lý Công giáo. GX. THÁNH PHAOLÔ: CẢM TẠ MUÔN HỒNG ÂN Xin"click" lên hình để xem các hình trong album này Sau bài giảng, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn và các em tuyên xưng Đức tin để các em xác tín hơn vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Cha sở Phaolô giới thiệu với Đức Tổng, các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức đã được học giáo lý ba năm và xin Đức Tổng ban bí tích Thêm Sức cho các em. Sau đó, từng em tiến lên quỳ trước mặt Đức Tổng đón nhận Ấn Tín Chúa Thánh Thần. Bí tích Thánh Thể nguồn ơn thiêng nuôi sống linh hồn, các em hằng ao ước bao năm, nay đã được nhận lãnh lần đầu qua tay Đức Tổng và cha Bề trên dòng Thánh Tâm Linh Mục. Trong dịp này, cha chánh xứ Phaoô cũng tổ chức cho các vị trong HĐMVGX nhiệm kỳ mới 2014-2018 tuyên thệ trước Chúa và Đức Tổng, và ra mắt cộng đoàn dân Chúa. Đức Tổng nói: “Hội đồng Mục vụ Giáo xứ không phải là bảo vệ giáo xứ mà phải biết đem Lời Chúa đến cho tất cả mọi người”. Ngài khuyến khích quý chức làm việc hăng say, chăm lo cho giáo xứ và luôn chu toàn mọi công việc. Sau đó, ông Antôn Phạm Quang Hiển, Chủ tịch HĐMVGX, trình lên Đức Tổng và quý cha các hoạt động từ thiện bác ái đã và đang làm của giáo xứ như: các Lớp học tình thương Hướng Tâm, tủ thuốc tình thương, giếng nước tình thương, và chuyến bác ái mùa Chay 2014 đã đi thăm 2 trại phong ở Di linh Giáo phận Đà Lạt, và 5 làng phong ở Giáo phận Kontum. Sau cùng, ông cám ơn Đức Tổng, cha quản hạt, quý cha bề trên, quý cha đồng tế. Trước khi cộng đoàn nhận phép lành cuối lễ, để tỏ lòng tri ân Đức Tổng, một em đại diện các em vừa lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể lần đầu, dâng lên Đức Tổng bó hoa tươi thắm đượm tình con thảo. Đức Tổng có lời khen và nhắn nhủ các em hãy sống đúng với ơn lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Thánh lễ kết thúc lúc 10g00. Đức Tổng chụp hình lưu niệm cùng với quý vị trong HĐMVGX và các em ngay tại cung thánh. • Sinh Hoạt Giáo Xứ

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Kết thúc tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời

Giáo xứ Thánh Phaolô: Kết thúc tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời Bích Tân T2, 03/12/2012 - 16:41 WGPSG -- Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩa lành thánh. Vào lúc 17g15 ngày 30.11.2012, giáo xứ Thánh Phaolô, hạt Tân Sơn Nhì, TGP TPHCM đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời tại nghĩa trang Công giáo Bình Chánh. “Chúng ta hãy dâng Thánh lễ này và các việc lành khác để cầu nguyện cho các tín hữu, các thân nhân, ân nhân của chúng ta ở nơi đây đã ra đi trước chúng ta. Xin Chúa rộng lòng thương tất cả các linh hồn, và xin cho các linh hồn sớm được hưởng nhan Thánh Chúa. Hằng năm, đến đầu tháng Mười Một, giáo xứ Bình Chánh tổ chức dâng Thánh lễ tại nghĩa trang này, và cuối tháng là giáo xứ Thánh Phaolô”. Đó là những lời mở đầu của Cha Phaolô Phạm Trung Dong, chánh xứ giáo xứ Thánh Phaolô (hai nghĩa trang của hai giáo xứ gần bên nhau). Dâng Thánh lễ đồng tế hôm nay có 07 cha: cha chánh xứ và cha phụ tá giáo xứ Thánh Phaolô, cha chánh xứ và cha phụ tá giáo xứ Bình Chánh, và 03 cha khách. Tham dự Thánh lễ có quý thầy, quý soeur và trên 600 giáo dân. Tuy đường xá xa xôi, từ nhà thờ Thánh Phaolô xuống tới nghĩa trang giáo xứ gần 20 cây số nhưng với 03 chiếc xe buýt chở đầy người và hơn 200 chiếc xe hai bánh, cùng nhau tề tựu về nghĩa trang giáo xứ để dâng Thánh lễ. Một quang cảnh thật cảm động. Đây cũng là ngày tết của các đẳng linh hồn, những người đang nằm trong các ngôi mộ, được chăm chút hoa nến, hương khói tỏa lên nghi ngút. Những người xuống đây đứng tại nơi mộ thân nhân của mình trong ánh hoàng hôn từ từ lắng xuống, màn đêm hiện về lung linh tỏa ánh sáng từ những ngọn nến trên các nấm mộ. Cha chánh xứ Phaolô chia sẻ: Nơi đây cũng giống như ở phi trường đưa tiễn người ra đi, đủ đau buồn, đủ hạnh phúc, nói với người thân của chúng ta những lời nói sau cùng, những lời nói tiễn biệt, chúng ta chúc người thân yêu của chúng ta hưởng hồng ân của Chúa Giêsu qua cái chết của Ngài, Chúa Phục Sinh như chìa khóa mở cửa thiên dàng cho chúng ta vào hưởng nhan thánh Chúa uy nghi sáng láng. Có những ngôi mộ lạnh tanh không hoa nến, không nhang khói vì người thân của họ không còn ở nơi đây, nhưng họ không bị lẻ loi nhờ có những thân nhân hàng xóm cũng cắm hương, nến và hoa. ó ngôi mộ đặc biệt không thân nhân, nhưng lại được nhiều người quan tâm đó là ngôi mộ “thai nhi”. Những con người vô tội đã bị giết khi còn trong trứng nước. Cha chánh xứ Phaolô, trong bài giảng, cũng nhấn mạnh: Hãy cầu nguyện nhiều cho những người mẹ đã giết con mình, những người mẹ trẻ có khi phá thai hai ba lần, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các thai nhi. Sau khi quý cha ban phép lành cuối lễ, trong khi cha chánh xứ Phaolô cất kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính để cho cộng đoàn đọc theo, thì 6 cha đem nước phép đi rảy trên từng ngôi mộ, tất cả mọi người lúc này hướng về các phần mộ và cầu nguyện nhiều cho các linh hồn. Thánh lễ đã xong, ai nấy ra về, tạm biệt người thân nằm lại nghĩa trang này, thương tiếc kẻ ra đi, và cầu nguyện nhiều cho họ. Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ thương đến các linh hồn. Và trong tâm tư mỗi người còn nhiều suy tư, còn nhiều lắng đọng: “Nay người mai tôi”. “Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu?” • Sinh Hoạt Giáo Xứ